Đây là nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp quốc gia, do Tiến sỹ Nguyễn Quốc Huy – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm chủ nhiệm. Đến dự Hội thảo, về phía Trung ương đại diện là Ông Lê Quang Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội và tự nhiên – Bộ KH&CN; các nhà khoa học đến từ: Viện Khoa học và Thủy lợi Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai; Trường Đại học khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Nông nghiệp Việt Nam,..
Về phía Quảng Nam, đại diện lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông – Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Kế hoạch – Đầu tư, Ban Quản lý Khu KTM Chu lai, Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Nam; lãnh đạo các huyện có dòng sông Trường Giang chảy qua
Phát biểu khai mạc, Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở KH&CN Quảng Nam khẳng định vai trò quan trọng của sông Trường Giang trong đời sống xã hội tỉnh Quảng Nam, là một phần trong văn hóa, lịch sử của xứ Quảng. Đến nay, đã có những công trình nghiên cứu về dòng sông này nhưng riêng lẽ, chưa có cái nhìn tổng thể điều này đặt ra cho ngành KH&CN tỉnh Quảng Nam cần thực hiện nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu tổng thể về Trường Giang. Được sự quan tâm, ủng hộ của Lãnh đạo tỉnh, Bộ KH&CN, nhiệm đặt hàng này đã được giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nơi có tiềm lực, kinh nghiệm, có đội ngũ khoa học mạnh trong nghiên cứu về Sông. Sông Trường Giang có chiều dài 67km, chạy dọc tỉnh Quảng Nam phía Bắc đổ ra Cửa Đại – Hội An, phía Nam đổ ra Cửa Hòa An – Núi Thành. Sông Trường Giang không có thượng lưu hay hạ lưu vì vậy nó cũng không có tả ngạn hay hữu ngạn. Nó là hệ thống sông đặc biệt, đặc biệt không chỉ bởi chính tính chất tự nhiên của nó, nó đặc biệt bởi nó là một phần trong đời sống văn hóa xã hội của người Quảng Nam, nhất là những ai có tuổi thơ gắn liền với nó. Chính vì lẽ đó, thông qua Hội thảo Sở KH&CN Quảng Nam rất mong đại biểu tham gia đóng góp ý kiến về những vấn đề địa phương, các ngành quan tâm và đặt ra yêu cầu gì để KH&CN góp phần bảo vệ dòng Sông, để dòng sông ấy hòa vào dòng chảy phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam.
Hội thảo được nghe bốn nội dung: nội dung thứ nhất, giới thiệu sơ lược chung về đề tài: mục tiêu, nội dung, sản phẩm,.. do Ts.Nguyễn Quốc Huy thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài trình bày; nội dung thứ hai, phương pháp nghiên cứu tài nguyên sinh vật, nguồn lợi thủy sản sông Trường Giang và Vùng phụ cận do PGS.Ts Nguyễn Văn Vịnh – Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày; nội dung thứ ba, nghiên cứu đặc điểm khí tượng thủy văn và các loại hình thiên tai trên khu vực sông Trường Giang của Ths. Lê Thế Cường – Trung tâm Nghiên cứu phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai; nội dung thứ tư, xây dựng mô hình nuôi Sa Sùng khu vực sông Trường Giang của Ts. Nguyễn Ngọc Tuấn – Học Viện Nông nghiệp Việt Nam; và Kế hoạch thực hiện Đề tài do Ts. Ngô Xuân Nam – Viện Khoa học Thủy lợi trình bày
Đây là Hội thảo khoa học mà đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương tại tỉnh trong số đó không ít đồng chí có tuổi thơ gắn với dòng Trường Giang do đó ý kiến của họ là rất tâm huyết và đáng để những người thực hiện Đề tài suy ngẫm. Đại biểu đến từ Núi Thành, một địa phương có 8 xã có dòng Trường Giang chảy qua quan tâm đến mô hình sinh thái của rừng ngập mặn; nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao đời sống cho nhân dân sống ở lưu vực để họ bảo vệ dòng sông, không khai thác tận duyệt các loài thủy sản. Đại biểu đến từ Thăng Bình quan tâm đến vấn đề nạo vét dòng sông, các khe nước mang đất, phù sa từ phía Tây đổ ra, các đìa nuôi tôm là nguyên nhân làm cho sông ngày càng hẹp, cạn dòng. Dòng sông mà ngày xưa nước sâu, xanh ngắt có thể nhìn tận đáy thế mà nay nhiều đoạn trở nên đục ngầu, khô cạn. Lãnh đạo Sở NN&PTNT kể rằng: ngày xưa, cách đây chưa đến 40 năm con sông ấy có thể đi lại từ Hội An đến Núi Thành bằng ghe, thúng nhưng nay không thể thông thương được, nhiều nơi đã bị tắt, hệ sinh thái rừng ngập mặn một số nơi trên dòng sông có nguy cơ bị biến mất. Các phát biểu đến từ Sở TN-MT, Sở Xây dựng cũng đều thống cao với việc triển khai nhiệm vụ KH&CN này để có cái nhìn tổng thể, thấu đáo về sông Trường Giang. Trong khuôn khổ 01 buổi, nhiều đại biểu cũng rất mong phát biểu ý kiến nhưng chủ trì Hội thảo đã đề nghị Đại biểu góp ý của mình qua địa chỉ email, điện thoại của Ban chủ nhiệm hoặc gửi về Sở KH&CN Quảng Nam. Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Đại biểu tham gia Hội thảo, Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở KH&CN Quảng Nam đề nghị Ban chủ nhiệm nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, đưa vào nội dung nghiên cứu làm sao kết quả của Đề tài ngoài nội dung và mục tiêu được Hội đồng KH&CN cấp Quốc gia thông qua cũng phải giải quyết thỏa đáng được các băn khoăn của các Đại biểu để khôi phục và phát huy vẻ đẹp của dòng Trường Giang xưa ít nhất là trên lý luận khoa học.