Sản phẩm này là của Trần Lê Anh Khoa, sinh viên năm 3, ngành hóa phân tích, trường ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Khoa đã nghiên cứu phương pháp tinh chế glucôzơ từ trái thanh long để làm chế phẩm sinh học. Lượng glucôzơ từ thanh long sẽ được lên men cùng với vỏ tôm (sử dụng vi sinh vật để lên men vỏ tôm). Hai chất này sẽ được tinh chế để cho ra chất chitosan tinh khiết. Chitosan có thể được nhúng trực tiếp vào dung dịch đã pha hoặc sử dụng ở chế độ phun sương.
Sau 3 đến 5 phút, chất chitosan sẽ tạo thành lớp màng bọc bảo quản bên ngoài vỏ trái cây. Lớp màng này sẽ ngăn chặn sự tiếp xúc giữa trái cây và môi trường, hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại. Đồng thời, lớp màng cũng hạn chế thoát hơi nước và giúp thoát khí axetylen nhiều hơn. Nhờ đó, trái cây có thể được giữ tươi lâu hơn.
Theo nghiên cứu của Khoa, chế phẩm sinh học từ chitosan có khả năng bảo quản nông sản tăng gấp 3 đến 4 lần so với cách bảo quản tự nhiên thông thường. Sản phẩm này đã được kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo an toàn trong sử dụng trong việc bảo quản trái cây.
Tất cả các loại trái cây đều có thể bảo quản được bằng phương pháp này. Song, với các loại nông sản có vỏ càng dày, sẽ được bảo quản tốt hơn.
.Trần Lê Anh Khoa (trái) và các chế phẩm chitosan dưới dạng dung dịch tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM (BSA) tổ chức năm 2017
Hiện tại, Khoa đã bào chế được chế phẩm sinh học chiosan dưới dạng dung dịch. Sản phẩm đang được nghiên cứu thử nghiệm nhiều loại nồng độ chitosan phù hợp cho từng loại nông sản trước khi đưa ra thị trường.
Thu Trang tổng hợp (Nguồn: http://www.vista.gov.vn)