Quảng Nam là 1 trong 6 tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất nước với tổng diện tích 1.057.474 ha, nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 219.950 ha, chiếm 20,80%. Trước đây, Quảng Nam là tỉnh nông nghiệp thuần túy, mấy năm gần đây đã chuyển dịch mạnh và căn bản sang công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, nông nghiệp hiện nay vẫn có vị trí quan trọng trong vai trò an ninh lương thực của tỉnh và chỗ dựa, cơ sở để giải quyết xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho người nông dân; đặc biệt là người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây là vấn đề mà lâu nay ngành nông nghiệp và PTNT đang tiến hành nhưng để giải quyết một cách căn bản, bền vững đối với phát triển kinh kế ở khu vực này là vấn đề không dễ dàng, cần có thời gian và sự đột phá về chính sách; bên cạnh đó ngành khoa học - công nghệ cũng đang tích cực nghiên cứu đưa những thành tựu khoa học và công nghệ vào ứng dụng trong sản xuất, để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm cho nông dân; trong đó có việc chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, nhanh cho sản phẩm.
Xuất phát từ định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực tế của từng địa phương, người dân. Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KHCN Quảng Nam phối hợp với phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Ninh, xây dựng mô hình trồng cây ổi lê Đài Loan tại 02 xã: Tam Đàn, Tam Thái; nhằm góp phần tham gia vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng con vật nuôi, bổ sung và làm phong phú cây trồng cho tỉnh Quảng Nam.
Các bước tiến hành:
- Khảo sát đất, nguồn nước tưới, chọn hộ: Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KHCN phối hợp cùng với cán bộ kỹ thuật phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện; cán bộ nông nghiệp 02 xã: cán bộ thôn Phú Mỹ, xã Tam Đàn; thôn Hòa Bình, xã Tam Thái nơi xây dựng mô hình thực hiện.
- Tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh cây ổi lê Đài Loan.
- Chỉ đạo hướng dẫn trực tiếp từ khâu chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc.
- Kiểm tra thường xuyên của Trung tâm và định kỳ của huyện.
Kết quả thực hiện:
Thời điểm kiểm tra đến ngày 08/3/2018 chúng tôi đánh giá như sau:
Địa điểm xây dựng mô hình: Thôn Phú Mỹ và thôn Hòa Bình.
Diện tích: 01 ha.
Số lượng cây trồng: 2.000 cây
Số hộ tham gia: 18 hộ
Thời gian trồng:12/2016 - 02/2017
+ Đối với nơi đất cao ráo trồng vào tháng 12/2016
+ Đối với nơi đất ướt trồng vào tháng 02/2017
Thời gian trồng đến thời điểm kiểm tra: 13 tháng và 15 tháng
Tỉ lệ sống: 90%
Chiều cao bình quân: 1,2 m
Đường kính gốc bình quân: 4 cm
Thời gian bắt đầu ra hoa, đậu quả: Từ tháng 6 - 8/2017
Thời gian trồng đến khi ra hoa, đậu quả: 06 tháng
Thời điểm ra hoa, đậu quả: Liên tục trong năm
Số lượng hoa bình quân thời điểm kiểm tra: 40 hoa/cây
Tỉ lệ đậu quả: 80%
Số lượng quả/cây: 30
Trọng lượng quả bình quân: 200g
Chất lượng quả: Thơm, ngọt, giòn, có vị hơi chua.
Tình hình sâu, bệnh hại: Xuất hiện sâu ăn lá với tỷ lệ rất thấp, chưa thấy xuất hiện bệnh.
Cây ổi đã được người dân Quảng Nam trồng từ lâu đời và cũng được xem là cây ăn quả có giá trị kinh tế, nhưng trên thực tế chưa phải là cây đóng góp chính vào việc phát triển kinh tế của người dân, do người dân trồng ổi địa phương năng suất thấp; bị sâu, bệnh hại nặng nên sản phẩm không có nhiều để cung ứng và thị trường không chuộng. Đối với người tiêu dùng thì ổi là trái cây không thể thiếu trong gia đình; đặc biệt là ổi sạch, trước tình hình đó việc chọn cây ổi lê Đài Loan thay thế cho cây ổi địa phương (ổi ta) là việc rất cần thiết; tuy nhiên để không lặp lại tình trạng như ổi địa phương lâu nay gặp phải thì cần lưu ý:
- Chọn đúng giống ổi lê Đài Loan và đơn vị cung cấp uy tín.
- Để sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, có uy tín thì sản phẩm phải sạch; nghĩa là không lạm dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học mà ưu tiên sử dụng các loại phân bón (rễ, lá), thuốc bảo vệ thực vật có người gốc sinh học, kết hợp sử dụng biện pháp bắt thủ công.
- Phải tiến hành bao quả không để ong, ruồi chích hút, đục quả.
- Phải đảm bảo nguồn nước tưới ổn định.
- Cây ổi lê Đài Loan sức sinh trưởng mạnh, ra hoa kết quả rất nhiều, hiện tại có cây đạt trên 60 hoa và có trên 50 quả nên phải thâm canh đúng yêu cầu kỹ thuật theo từng năm; đồng thời thường xuyên tỉa cành, tạo tán, bỏ bớt hoa và quả chỉ để vừa đủ hoa, số quả theo tuổi cây.
- Phải kiểm tra thường xuyên vườn ổi để phát hiện kịp thời những trường hợp sâu bọ,côn trùng; bệnh hại xâm nhập.
