KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG NAM __Thành tựu và định hướng phát triển

Hai mươi năm qua, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Quảng Nam có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hoạt động KH&CN được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, cơ chế quản lý được đổi mới, tiềm lực KH&CN của tỉnh từng bước phát triển, từng bước khẳng định vai trò và vị thế của KH&CN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1. Vài nét về thành tựu KH&CN tỉnh Quảng Nam

Một là, Công tác quản lý nhà nước về KH&CN được đổi mới , từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý KH&CN địa phương. Tích cực, chủ động tham mưu ban hành cơ chế chính sách trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương chính sách của trung ương, tỉnh và phù hợp thực tiễn; qua đó đã tạo môi trường và điều kiện để phát huy tiềm lực KH&CN, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan tới KH&CN, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Chiến lược phát triển KH&CN của tỉnh ban hành đã xác định được hướng phát triển KH&CN phù hợp theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổ chức hệ thống quản lý Nhà nước về KH&CN triển khai đến cấp huyện, đáp ứng nhu cầu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở. Tiềm lực KH&CN từng bước được nâng lên; năng lực của các tổ chức KH&CN bước đầu được đầu tư, nâng cấp; đội ngũ cán bộ  KH&CN tăng về số lượng, nâng cao một bước về chất lượng, có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ của tỉnh. Tổng ngân sách chi cho KH&CN tỉnh trong 20 năm gần 235,741 tỷ đồng; năm 2016 gấp 17,5  so với năm 1997. Bước đầu đa dạng hoá nguồn vốn cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ở các thành phần kinh tế, địa phương. Năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN có bước chuyển biến tích cực, dần đi vào chiều sâu.

Hai là, Hoạt động nghiên cứu khoa học được chuyển biến theo hướng nâng cao chất lượng, bám sát thực tế sản xuất – đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đã triển khai thực hiện 26 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 250 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 190 đề tài cấp huyện và 03 nhiệm vụ hợp tác với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Các nghiên cứu đã cung cấp các luận cứ khoa học tự nhiên và xã hội cho hoạch định phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; tiêu biểu là các kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở để xây dựng các hồ sơ khoa học của di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm; các giải pháp thu hút vốn đầu tư, đánh giá trình độ công nghệ, phát triển lao động  một số nhóm ngành công nghiệp chủ lực, .... Các nhiệm vụ KH&CN trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội, nhân văn, tự nhiên, công nghệ, công nghệ thông tin đang được ứng dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong số đó phải kể đến các nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; nghiên cứu truyền thống mở cõi, hội nhập và yêu nước của con người xứ Quảng; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước ven biển, nguồn lợi thuỷ sinh nước ngọt hồ Phú Ninh, hệ sinh thái đất ngập nước, năng lượng gió khu vực Cù Lao Chàm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; nghiên cứu văn hóa truyền thống làng Việt xứ Quảng, nghiên cứu các danh nhân đất Quảng…

Các nhiệm vụ KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn và gắn với chương trình nông thôn mới được tập trung triển khai. Ứng dụng nhiều tiến bộ KH&CN trong bảo tồn, phục tráng các nguồn gen quý hiếm, có giá trị về kinh tế (sâm Ngọc Linh, Tiêu Tiên phước, loòn boon, lúa rẫy, heo cỏ, gà tre, chim yến....), du nhập một số giống cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác tại Quảng Nam (mít ruột đỏ, cá rô phi đơn tính, cá ngựa, rong nho,...), các mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả phù hợp với từng vùng sinh thái; các phương thức khai thác thủy sản tiên tiến (ứng dụng điện mặt trời và đèn LED trên tàu lưới vây, nghề lưới rê hỗn hợp khai thác vùng biển khơi, nghề câu vàng khai thác mực tầng đáy,...). Tiếp nhận thành công và ứng dụng có hiệu quả công nghệ nuôi cấy mô, sản xuất chế phẩm vi sinh vật phục vụ nông nghiệp xanh, sạch, xử lý môi trường,... Mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng được triển khai trên tất cả các xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, các đề tài tập trung ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường như công nghệ biogas để xử lý chất thải, làm chất đốt đồng thời bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ lò đốt ga để sản xuất gốm mỹ nghệ, lò nung liên tục kiểu đứng để sản xuất ngói; sản xuất các loại vật liệu xây dựng thân hiện môi trường; công nghệ lọc nước bằng vật liệu lọc di động cho hệ thống cấp nước sinh hoạt; ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý và phát triển các ngành; ...