Ngày 10 tháng 8 năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam tổ chức Hội đồng Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Khảo sát tình hình sử dụng tiếng Cor ở Quảng Nam. Nghiên cứu biên soạn Từ điển Việt – Cor, Cor – Việt”. Đề tài do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam chủ trì thực hiện, PGS.TS Tạ Văn Thông chủ nhiệm đề tài. GS. TS Vũ Đức Nghiệu, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) làm Chủ tịch Hội đồng. Ngoài ra, tham gia cuộc họp còn sự tham gia của đại diện ngành Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh,...

Hình: Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài
Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát các tài liệu lưu trữ liên quan, kết hợp khảo sát, điền dã, ghi chép thực tế tại địa phương, tác giả đã đánh giá tiếng nói riêng của cộng đồng Cor hiện đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên hoặc pha trộn nhiều khi mất cả nét bản sắc, bị giảm thiểu các chức năng xã hội, đặc biệt, thế hệ trẻ hiện nay ít sử dụng hoặc sử dụng không thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình. Điều này đã gây ra tình trạng tiếng Cor dần dà bị sai lệch, thậm chí rất ít được sử dụng trong đời sống, có thể xem như là những dấu hiệu báo động về nguy cơ suy yếu, thậm chí biến mất của tiếng Cor trong tương lai. Trước thực trạng đó, tác giả đã đề xuất một số biện pháp bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc Cor, trong đó phương hướng chung là bên cạnh việc chế tác, cải tiến chữ viết, biên soạn các sách phục vụ dạy và học tiếng, việc dạy và học, điều kiện sống còn cần tăng cường sử dụng các ngôn ngữ này trong nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trong đời sống hằng ngày, trên các ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng. Song song, tác giả đã biên soạn được bộ Từ điển Việt – Cor, Cor - Việt, với khoảng 3.500 mục từ Việt – Cor, khoảng 3.000 mục từ Cor – Việt, là các từ ngữ thường dùng, phần lớn vốn từ ngữ cơ bản của tiếng Việt và tiếng Cor.
Chủ tịch Hội đồng GS. TS Vũ Đức Nghiệu khẳng định kết quả nghiên cứu đề tài có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cao, vì vậy việc giao kết quả đề tài sau khi nghiệm thu đến các cơ quan liên quan là cần thiết, giúp cho cộng đồng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo tồn tiếng nói chữ viết Cor. Đây cũng là một cách nhằm góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như sự đa dạng văn hóa tại Quảng Nam.
Bên cạnh đó, để Từ điển Việt – Cor, Cor – Việt không chỉ là một tư liệu tra cứu cho các nhà nghiên cứu mà còn sớm quay lại cuộc sống thì cần có một sự đồng bộ trong việc thực hiện các giải pháp của các cấp, ngành và đặc biệt là sự yêu quý, hành động của bản thân người Cor đối với tiếng nói dân tộc mình, từ đó có thể lưu giữ được ngôn ngữ Cor một cách sinh động trong đời sống hằng ngày của chính mình./.