Ngày 11/11/2012, tại thành phố Tam Kỳ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt thành phố Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu”. Đề tài do PGS. TS Nguyễn Chí Công làm chủ nhiệm, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng là cơ quan chủ trì.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - PGS. TS Đoàn Quang Vinh đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phi Thạnh; đại diện các cơ quan: Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Trung Trung bộ; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Chi cục Thủy lợi, UBND thành phố Tam Kỳ, UBND huyện Phú Ninh và nhóm thực hiện đề tài.
Tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Chí Công - Chủ nhiệm đề tài đã trình bày 3 chuyên đề: Đánh giá diễn biến ngập lụt thành phố Tam Kỳ và vùng phụ cận trong thời gian gần đây, xác định nguyên nhân chính; Xây dựng mô hình mô phỏng ngập lụt cho thành phố Tam Kỳ và vùng phụ cận theo các kịch bản; Đề xuất mô phỏng các giải pháp giảm ngập, xây dựng công cụ hỗ trợ quản lý và các khuyến nghị.
Sau khi nghe ý kiến góp ý của đại biểu, tổng kết Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá đây là đề tài rất quan trọng, hiện đang nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân. Hội thảo đã làm rõ nhiều vấn đề giúp các cơ quan, đơn vị của tỉnh Quảng Nam nói chung và UBND thành phố Tam Kỳ nói riêng nghiên cứu điều chỉnh lại các quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình mới cần cân nhắc ngay từ bây giờ. Báo cáo trình bày tại Hội thảo cơ bản cung cấp cái nhìn về nguyên nhân, giải pháp đối với vấn đề ngập lụt của thành phố Tam Kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị Chủ nhiệm đề tài và nhóm thực hiện đề tài tiếp tục nghiên cứu thu thập thêm các dữ liệu, diễn biến phức tạp của khí tượng thủy văn để phục vụ tốt hơn cho nghiên cứu của đề tài. Các giải pháp phân lũ từ sông Bàn Thạch về sông Trường Giang cần được nghiên cứu kỹ hơn trường hợp nạo vét và chưa nạo vét sông Trường Giang; cần tích hợp dự án nạo vét sông Trường Giang và dự án nạo vét luồng Cửa Lở khi nghiên cứu; đánh giá tác động đến môi trường sông Trường Giang cũng như tác động đến sinh hoạt, đời sống của người dân khi nước đổ về sông Trường Giang. Đánh giá tác động đối với xây tràn như khi nào cho nước qua tràn, các nguy cơ do tác động của sóng biển. Giải pháp cắt lũ phía Bắc (huyện Thăng Bình) và phía Tây (huyện Phú Ninh) cần làm rõ thêm cắt giảm lũ được bao nhiêu tương ứng với tần suất nào. Tính toán các kịch bản xả của hồ Phú Ninh tác động đến khu vực. Trong nội đô, UBND thành phố Tam Kỳ cần xem xét hai hướng thoát nước của đề tài đề xuất (chuyển nguồn nước từ phía Tây vào cống ông Dung ra sông Tam Kỳ; làm cống thoát nước ngầm dưới lòng đường Trưng Nữ Vương ra sông Bàn Thạch). Cần cải tạo, khai thông hệ thống thoát nước; tạo các không gian xanh tối đa. Việc nghiên cứu cần xem xét, dự báo khi hợp nhất 3 đơn vị hành chính là thành phố Tam Kỳ, huyện Phú Ninh và huyện Núi Thành. Công cụ hỗ trợ quản lý dựa trên nền tảng WebGis từ kết quả nghiên cứu vừa khoa học vừa phổ thông sẽ giúp người dân có thể biết được tình trạng ngập lụt thành phố Tam Kỳ, tuy nhiên cần được tích hợp vào đô thị thông minh của thành phố Tam Kỳ. Về mở rộng đề tài, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất hướng mở rộng nghiên cứu cho huyện Thăng Bình đảm bảo phù hợp, tiết kiệm, đúng quy định.