Chiều 23/12/2022, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Khoa học và Công nghệ năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.
Chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở, đồng chí Phạm Ngọc Sinh – Phó giám đốc Sở và tất cả cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Sở cùng tham dự hội nghị.
Năm 2022 ngành khoa học và công nghệ Quảng Nam đã hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo điều hành về khoa học và công nghệ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc tăng trưởng kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp. Thường xuyên lãnh, chỉ đạo công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số: Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh và gắn với chuyển đổi số, lãnh đạo Sở bám sát chỉ đạo của tỉnh, đã xây dựng các kế hoạch và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác CCHC và chuyển đổi số: Đến nay 100% TTHC của Sở được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; năm 2022, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn tại Sở đạt 100%; từ ngày 01/3/2022 đến nay, tất cả các hồ sơ giải quyết TTHC của Sở đều được cung cấp bởi dịch vụ công mức độ 4.
Trong năm, ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục ưu tiên cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm: Nông nghiệp; Khoa học xã hội và nhân văn; lĩnh vực công nghệ thông tin; lĩnh vực bảo hộ và quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản của địa phương,… đặc biệt, trong đó tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm. Trong năm, ngành chủ động triển khai các chương trình hợp tác với các Viện, Trường trong khu vực: Tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 02 năm thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với Trường Đại học Nông Lâm Huế ; Tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung và ký kết Chương trình hợp tác với Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng .
Các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới và nhân rộng các mô hình đã có vào sản xuất trên diện rộng. Khoa học và công nghệ đã bắt nhịp với ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng nhanh giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có tác động tích cực đến sản xuất, đời sống nhân dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Ngành đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới thiết bị, công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 về Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2025 và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 12/01/2022 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh, theo đó đã phối hợp với các địa phương triển khai 05 dự án, 01 phương án; tham mưu hỗ trợ cho các cơ sở có đơn đề nghị và đã được xét duyệt; tiếp tục tổng hợp các đề xuất của các địa phương và tổ chức xét duyệt theo quy định.
Đã tiến hành tuyên truyền và vận động doanh nghiệp tham gia GTCLQG, kết quả đã sơ tuyển và đề xuất Hội đồng Quốc gia xem xét trao tặng 03 giải vàng chất lượng quốc gia và 01 giải thưởng chất lượng quốc gia. Triển khai Kế hoạch số 1193/KH-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2022; tiếp tục triển khai Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 05/01/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc" trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 - năm 2022; và tham mưu, triển khai Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Công tác truyền thông khoa học và công nghệ được chú trọng, có nhiều đổi mới về hình thức và phương pháp để cung cấp thông tin kịp thời, có chất lượng. Hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới khoa học và công nghệ ngày càng được đẩy mạnh. Phong trào khởi nghiệp phát triển cả chiều rộng và chiều sâu với sự hỗ trợ tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội…
Tuy nhiên, trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ vẫn còn một số khó khăn, tồn tại sau:
Công tác CCHC và chuyển đổi số tuy đã được quan tâm triển khai quyết liệt, đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn một số hạn chế như việc xây dựng các bộ cơ sở dữ liệu ở một số lĩnh vực còn chậm; số lượng truy cập trang web Sở chưa cao.
Nhiều nghiên cứu có kết quả tốt và khả năng ứng dụng cao nhưng thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai nhân rộng trên thực tế. Chưa có cơ chế để bố trí kinh phí cho việc nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, dẫn đến việc các cơ quan chủ trì, cơ quan tiếp nhận kết quả nghiên cứu không có đủ nguồn lực để thực hiện trách nhiệm ứng dụng kết quả.
Triển khaiKế hoạch số 1193/KH-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh còn một số khó khăn như: Công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn; dự toán về kinh phí; hướng dẫn của Bộ KH&CN về quản lý Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 chưa được ban hành; Bộ Khoa học và Công nghệ chưa ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng, tổ chức các hoạt động đào tạo về năng suất chất lượng, hỗ trợ đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng cho các địa phương.
Tiến độ triển khai một số chương trình, kế hoạch được giao còn chậm.